Bạn đang đọc truyện online hay trên di động tại wapsitechuotnhat84.xtgem.com! Chúc các bạn online vui vẻ
Trưa. Nắng. Nắng rưng rưng đỉnh đầu. Chiếc xe chầm chậm lướt qua từng phố nhỏ Sài Gòn. Qua những hàng me, qua những hàng dầu, qua những vóc hình biệt thự cũ.
Bóng nắng loang, rồi bóng vòm cây tràn, nối tiếp nhau chảy qua đôi mắt tôi-thẫn-thờ. Vẳng bên tai, tiếng nhạc, một bài hát cũ. Năm năm? Mười năm? Hai mươi năm? Không tỏ. Đã lâu rồi kể từ lần đầu tôi chạm bài hát ấy.
Những bước đi của nốt nhạc cứ ấm ức, giằng, xé. Một bài hát về nơi mà tôi gọi là “Mộng Địa” (Neverland), nơi là xứ sở của cổ-tích-không-rõ; của thần-tiên-lấp-ló; của huyền-sử-mơ-hồ; của nắng và những vút trôi đi về một chiều, chỉ một chiều, duy nhất, phía trước…
Cả một tuổi thơ thốt nhiên ập vào tôi. Tôi nhìn thấy thằng bé chưa đến tuổi lên mười. Tôi nhìn thấy nó ngồi bên hiên nhà bà nội. Phía ngoài kia, trước mắt nó, cũng là con đường nhỏ, cũng là trưa, nắng, nắng rưng rưng đỉnh đầu. Phía ngoài kia, trước mắt nó, cũng là những vòm cây, những vòm cây cơm nguội, tỏa những bóng mát tràn, nối tiếp bằng những bóng nắng loang, trải rộng và dài, như mộng địa…
Con phố nhỏ, Hà Nội đầu những năm 1980, vắng và không. Tĩnh. Lặng. Trong buổi trưa thiên-đường-không-người-lớn ấy, thằng bé dò dẫm bước đi, thơ thẩn bước về, liêu xiêu bước tới, vồi vội quay lui, thui thủi một thân trước con đường chỉ dành riêng cho thơ trẻ.
Và lúc ấy, thằng bé đã luôn hình dung ra nó, đơn độc, không cần ai bên cạnh mình, không cần ai vỗ về, xoa dịu những tủi thân của đứa cháu không được cưng nhất nhà. Nó đã nheo mắt lại, nhìn cuộc nắng rưng rưng ngoài kia như nhìn một đường bay dài của riêng mình, một ngây-thơ, lượn những đường cung tuyệt diệu trong không gian, giữa một thế giới khác, thế giới đang tồn tại xung quanh, một thế giới của mộng…
Mộng về những lần bay lên, bằng cách đập hai tay vào thân, rướn mình một chút và rồi lơ lửng, vẫn luôn là giấc mộng quen thuộc đời người của tôi-riêng, kỳ, lạ. Giấc mộng quen ấy vẫn chạm vào tận đáy sâu của háo hức mỗi lần trở lại bên tôi, giữa những cơn ngủ vùi. Ước mơ, khát vọng bay lên phải chăng là một khát vọng, ước mơ vượt qua tạo hóa?
Có lẽ, nó chỉ là một mòn-mỏi-mong-muốn được thoát khỏi ra khỏi chính mình, bằng cách thần tiên nhất từ những câu chuyện ấu thơ đầy những hình ảnh mê/man/ma/mị. Sự thoát khỏi tấm thân nặng nề, sự thoát khỏi mặt đất ê chề, sự thoát khỏi chính bản-thân-mình-bất-lực là sự thoát đi tuyệt kỳ nhất. Đã cả ngàn lần tôi bay trong mộng như thế, bay trong mộng như thể mình là một duy nhất, hãnh diện, khoan khoái, và không-thể-chạm-tới đối với tất cả những ánh mắt dõi theo mình dưới mặt đất kia.
Và trong những giấc mộng được bay lên như thế, tôi vẫn luôn nhìn thấy nắng, có khi cả nắng giữa đêm. Một luồng nắng thôi, chói lóa. Một luồng nắng thôi, rưng rưng đỉnh đầu. Phải chăng, trong cơn mê man cất cánh kia, không gian tôi cũng chính là mộng địa, nơi con người ta có thể cất cánh bay mà không cần đến một giấc mơ???
Đêm. Mưa qua. Mưa leo theo bờ mắt. Chiếc xe băng băng vượt qua những căn phố nhỏ Sài Gòn. Qua những hàng me, qua những hàng dầu, qua những vóc hình mái đỏ còn tươi mới. Bóng đèn đường loang loang trên mặt đường, từng lớp nhỏ, nối tiếp nhau chảy qua đôi mắt tôi-hững-hờ.
Đường về nhà tĩnh không bóng người, không một ai, giữa giờ khuya thế này, trong cơn mưa thưa hạt, lây, rây. Vẫn là tiếng hát ấy, quằn quại, dấm, dẳng. Không gian tuyệt đối tĩnh không ấy lại khiến tôi nhìn ra đường bay mộng địa ám ảnh mình bao nhiêu năm dài. Đứa trẻ trong tôi đã lớn ư? Dường như không phải. Nó còn ở đây này, trong cái nhìn hẫng không vào một điểm nào vô định trong cơn mưa.
Nó còn ở đây này, trong lồng ngực đôi khi bật lên những nhịp hồi hộp, đôi khi trượt ra những tiếng thở dài. Nó còn ở đây này, trong cơn tê rần chạy sau ót như có luồng điện chạm. Những giấc mơ hoang đường của thời ấu thơ vẫn còn nguyên đó. Nó mạnh hơn bất kể điều gì lúc này, kể cả những dấu hỏi thường trực “ngày mai sống bằng gì?”; “ngày mốt còn việc làm không?”; “tuần sau chắc sẽ nhiều biến động?”…
Giấc mơ được sống giữa một thế giới như xứ sở của Peter Pan. Lặng. Yên. Bình thản. Giấc mơ được vượt qua những chặng đường tuyết phủ dày, trên những lưng ngựa, không cần nghĩ đến một giấc ngủ say. Màu áo, màu tóc thốc lên theo từng cơn gió trắng, để hướng về những đỉnh đá núi mờ ảo phía xa như trong thế giới của những thần thoại Teuton hay những huyền sử Anglo-Saxon. Giấc mơ được đơn độc một mình. Đi qua những mặt người, không nói. Đi qua những hình hài, không gọi. Đi qua những đôi mắt bí ẩn lặng im, không hỏi. Đi miên man, chỉ với tiếng hát dẫn lối bay trong không gian, lơ lửng, nhói buốt xương da…
Mộng về những miền đất không có thật bao giờ vẫn ám ảnh tôi đến lạ. Một thế giới cổ tích và thần thoại của một thời thơ ấu chỉ biết hình dung qua những trang sách hình như sẽ sống mạnh mẽ hơn qua những gì được nhìn thấy cụ thể trong phim ảnh thì phải? Trong vóc dáng tôi-bốn-mươi bây giờ, phần mộng ấy vẫn luôn là một lấn át dữ dội.
Nó dìu tôi đi qua cuộc sống vất vả mỗi ngày. Nó dìu tôi đi qua những hối hả toan tính bằng cách của những cơn say. Người ta đều phải dựa vào điều gì đó mà sống và có lẽ, cách của tôi là dựa vào những gì thanh thản nhất còn sót lại từ ấu thơ. Có nhiều khi, ngồi lặng im nghĩ suy, tôi đã sợ. Nỗi sợ hãi về điều đã thấy biến hình ra thành đoán biết về những điều sẽ tới, khiến tôi phải tìm một chốn nương thân nào an bằng nhất. Và vì thế, tôi trôi đi. Và vì thế, tôi lao theo.
Và vì thế, tôi nhất định chỉ hướng về một chiều phía trước. Tôi chạy quanh đời cũng chỉ để tìm cho mình một mộng điạ như thế, nơi tôi không còn bất kỳ một hãi sợ nào. Rồi mỗi lần chạy đi như thế, tôi bỏ lại sau lưng bao nhiêu gần gụi nhất mình có trong cuộc sống này. Là mẹ. Là ba. Là em. Là ai nữa? Tôi không đếm được hết.
Tôi chỉ mơ hồ rằng, họ chỉ còn biết đứng đó thở dài dõi theo chuyến cút bắt cùng nỗi sợ hãi của tôi. Tôi cũng mơ hồ rằng, trong chiều kiếm tìm riêng tôi, lặng im xoáy về phía tôi là những mắt buồn, buốt-lạnh, ở sau lưng. Tất cả nhìn theo tôi, muốn níu tay tôi nhưng không thể; muốn kéo tôi vào lòng nhưng chẳng cách nào làm thế; muốn gọi tôi về với đời thực, với vòng lặp quen thuộc mỗi ngày, nhưng biết là chẳng dễ.
Tất cả phải để tôi sống nửa trong sự-thật-sợ-hãi, nửa trong thế giới mộng mị ru êm. Như thế mới là chính tôi, không xác định được chính bản thể của mình. Như thế mới là chính tôi, không thoát ra khỏi được những vết dấu, cắt, sâu của tuổi thơ còn hằn lại. Như thế mới là chính tôi, đơn độc giữa cuộc đời này, đôi khi, nhìn mắt người hình dung ra những mắt sói…
Chiều. Nắng nghỉ ngơi. Nắng lêm rêm chéo/xiên lóng mắt. Chiếc xe nhích dần qua cây cầu nhỏ về nhà. Dòng kinh lững lờ trôi lấp lánh những ánh cuối cùng của ngày và mặt trời làm một góc phố phường chuyển màu đỏ-tím. Bên ngoài cửa kính xe là cuộc sống ồn ào, là dòng người vội vã trở về với gia đình sau những áo-cơm. Vẫn là một câu hát cũ, cắt vào da, thổn thức.
Nắng chiều như mộng ngang đỉnh đầu, cơn mộng đã về phút cuối, phút tôi sẽ phải trở lại với cuộc sống thực sự bên ngoài, với những lo toan tầm thường nhất. Tự nhiên tôi nhớ, ngày xưa, nói về nắng, ai cũng cố giải thích một cách kỳ diệu nhất về hai chữ “nắng khuya” của ông Trịnh Công Sơn. Có gì đâu, với tôi, khi chữ “khuya” đôi khi cũng đồng nghĩa cùng chữ “muộn”. “Nắng khuya” cũng có khi chỉ là “nắng muộn”, như nắng lêm rêm chéo/xiên lóng mắt, liu riu kẻ/ vẽ chân mày lúc này thôi. Một-thốt-ra bình thường được diễn dịch thành một cao-sâu-hiển-nhiên nhiều khi khiến người ta khó thở vì nó, vì sự bé nhỏ của mình trước nó.
Và tôi chợt nhận ra, phải chăng trong mỗi con-người-diễn-dịch kia đều còn đó một mộng địa mơ hồ mà họ không nhận ra, không dám nghĩ tới, chưa từng dám vươn mình bay tới để bỏ lại những mắt buồn, buốt-lạnh, ở sau lưng. Để rồi ở một sátna nào đó của vẫy vùng giữa cuộc đời lầy lội này, họ bật ra mộng địa một thời của mình bằng một diễn-dịch-siêu-hình như nắng giữa khuya, nắng như tôi đã thấy trong giấc-mộng-bay-lên của mình, một luồng nắng thôi, giữa đêm, rưng rưng đỉnh đầu; một luồng nắng thôi, giữa khuya, liu riu mờ khoé mắt?
Vì mộng, nhìn mắt người có khi thấy ra đôi mắt sói, nhìn mắt người đôi khi thấy mắt thần tiên, nhìn mắt người có khi nhìn ra nắng chói. Vì mộng, điều đơn giản của người khác có khi lại là cả một thế giới mê/man của riêng mình. Vì mộng, có khi chỉ một trưa tôi qua, một đêm tôi về, một chiều qua cầu nắng cuối cũng có thể mở ra cả một thế giới cất giấu/ đánh mất của tuổi thơ ấu ngày nào.
Ta đã để tuổi thơ ở đâu? Ta đã để mộng địa của mình hoang tàn kể từ khi nào? Ta đã để tất cả những hình dung của mình nguội lạnh ra sao? Có bao giờ tự hỏi không, hỡi em? Có bao giờ tự nhận ra không, hỡi bạn? Tôi vẫn để tuổi thơ tôi ở ngăn này, chiếc hộp nhỏ diệu kỳ mà mỗi khi mở ra là cả một thế giới vô thực sẽ thoát ra, ào ra, xếp ngay ngắn, trải rộng ra, cho tôi bay hoài cánh bay vẫn không thám hiểm hết.
Tôi vẫn giữ mộng địa của tôi ở nơi đó, trong từng bước tôi đi mỗi hôm, trong từng phút lẻ loi mỗi ngày, trong từng giây thẫn thờ mỗi sớm mai-chiều tối. Tôi vẫn thấy hình dung của ngày xưa bất biến trong hôm nay, giữa khoảnh khắc nhập nhoạng này. Để từ đó, tôi quyết lướt mình đi, theo chiều giấc mộng, căng một cánh bay, say một cánh điên, chớp một cánh hiền, bất chấp mình, bỏ lại, những mắt buồn, buốt-lạnh, ở sau thêm…
Quay lại trang trướcDownload các game online mobile với nhiều độ phân giải màn hình khác nhau được cập nhật hàng ngày, các tin nhắn xếp hình lãng mạng